Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

May túi xách nhỏ xinh dành cho chị em


 Mai Anh, ảnh: modabakeshop - Theo MaskOnline
Tự may túi xách là cách hay nhất để bạn tận dụng vải thừa từ bộ váy áo mới may và có được chiếc túi dễ thương đồng bộ với trang phục của mình!

Bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu như sau:

- Vải: tận dụng từ vải thừa của vải may váy áo, có thể kết hợp với chút vải khác hài hòa màu sắc
- Mếch vải loại dày
- Nẹp vải làm sẵn (nếu có)

Bước 1:

In mẫu bên, phóng to hay nhỏ tùy ý, bạn nên dùng cỡ nhỏ, ngang túi chừng 20cm - 30cm là vừa rồi cắt mẫu giấy.
Bước 2:

Chọn các màu vải phối màu hài hòa, gồm có vải làm vỏ túi với màu sắc hoa văn đẹp nhất, vải làm bèo nhún trang trí nên chọn màu tương phản nổi bật, vải làm lót túi chọn hoa nhí hoặc tối màu một chút.
Bước 3:

Phủ miếng vải vỏ túi lên mếch vải và là cho vải và mếch dán chặt vào nhau. Bạn chỉ cắt khổ vải hẹp vừa đủ cho phần vỏ túi và thành túi để khỏi lãng phí nhé!
Bước 4:

Gập đôi vải vỏ túi và áp mẫu giấy (mẫu vỏ túi) lên vải, sang dấu rồi cắt hoặc ghim ổn định rồi mới cắt. Tiết kiệm vải nhất là bạn không gập đôi vải mà áp mẫu giấy rồi sang dấu mẫu túi, ở lần hai bạn đặt mẫu giấy trái chiều (tức lộn ngược) so với lần một.

Riêng mẫu thành túi bạn đặt mẫu giấy đối xứng và liền nhau, như thế thành túi sẽ dài liền mạch trên một lớp vải.
Sau khi cắt bạn sẽ có 2 miếng vỏ túi và 1 miếng thành túi như thế này.
Bước 5:

Cắt tương tự cho lót túi trên vải tối màu không dán mếch. Vì vải lót thường mỏng nên bạn chọn cách gấp đôi vải là tốt nhất.
Bước 6:

Úp mặt phải của miếng thành túi và vỏ túi vào nhau, may ráp thành túi bắt đầu từ đầu miệng túi bên này vòng quanh túi rồi sang đầu miệng túi bên kia.

Lỗi thường gặp khi ráp thành túi là thừa thiếu vải vì có thể khi cắt bạn có sai số nhất định hoặc khi may chưa thạo bạn làm co kéo vải chưa đều. Trước khi may bạn nên ướm thử vòng quanh xem miếng thành túi đã dài vừa khít với miếng vỏ túi chưa, nếu thừa vải thành túi thì bạn cần cắt giảm đều hai đầu thành túi, nếu thiếu bạn cần cắt giảm miệng túi thấp xuống.  Mẹo nhỏ nhanh gọn là bạn nên lược thành túi vào vỏ tíi, lược từ điểm giữa đáy túi đều sang hai bên, phần vải nào thừa sẽ được cắt giảm trực tiếp, sau đó mới may.
Khi may tới đường cong bạn nên may chậm và dừng liên tục để nhấc chân vịt máy khâu lên, điều chỉnh vải uốn cong theo đường may từng ít một rồi hạ chân vịt để may từng đoạn ngắn, khi may vẫn phải điều chỉnh vải đi theo đường may cong. Tất nhiên lưu ý này chỉ dành cho người mới học may.
Bước 7:

May tương tự với mép vải còn lại của thành túi với miếng vỏ túi thứ 2.
Bước 8:

Sau khi may ráp thành túi vào 2 miếng vỏ túi, bạn cắt giảm đường biên may cho gần sát với đường may, vì vải có dán mếch nên bạn không lo xổ sợi, cắt giảm như thế sẽ giúp cho đường cong của túi mượt mà hơn, không bị cộm vải dày.
Bước 9:

Để may bèo nhún trang trí miệng túi, bạn cắt một dải vải dài màu nổi bật, gập đôi lại và vừa may vừa xếp ly, may bên hai mép vải rời, bèo sẽ xòe bên  mép vải liền do nếp gấp. Nếu không thạo xếp ly bạn có thể may bằng 2 đường chỉ thưa song song rồi rút đồng thời hai sợi chỉ từng ít một cho dải vải chun lại.
Bạn may miếng bèo nhún vừa tạo này vào miệng túi.
Bước 10:

Nếu dùng nẹp vải làm sẵn, bạn chọn màu nẹp gần màu vải may bèo trang trí, nếu không có nẹp làm sẵn, bạn dùng vải may bèo để may một nẹp vải rồi may nổi hai đường chỉ sát hai bên mép nẹp để làm quai túi, bạn cũng có thể dùng cách may ống vải nhỏ rồi may nổi chỉ hai bên ống vải bóp bẹp.
Bước 11:

Đánh dấu vị trí chính giữa thành túi trên miệng túi rồi may gắn hai đầu quai túi vào đó.
Bước 12:

Sau cùng bạn may nẹp cho miệng túi là xong!

Chiếc túi khá đứng dáng nhờ có dán mếch, nhưng lại rất mềm mại vì kiểu dáng với nhiều đường cong, bạn có thể may túi này rất nhanh vì thế hãy may cho mình vài túi có cùng loại vải với trang phục của bạn nhé! Đôi khi không đủ vải để tận dụng cắt vỏ túi thì chỉ cần cắt bèo trang trí túi thôi cũng tạo được vẻ đồng điệu với trang phục của bạn rồi!


Chúc bạn thành công và may được những chiếc túi thật điệu nhé!